Kỹ thuật vật liệu

Kỹ thuật vật liệu

NGÀNH KỸ THUẬT VẬT LIỆU

Website: http://www.fmt.hcmut.edu.vn

Ngành Kỹ thuật Vật liệu thuộc Khoa Công nghệ Vật liệu.

1. TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH:

Kỹ sư Kỹ thuật vật liệu được đào tạo theo hướng ngành rộng. Kỹ sư Kỹ thuật vật liệu được trang bị đủ những kiến thức cơ bản và cơ sở khoa học của ngành Kỹ thuật Vật liệu để có thể hiểu biết nền tảng chung các nhóm vật liệu chính như Kim loại, Ceramic, Polyme, Compozit và các vật liệu tiên tiến như vật liệu bán dẫn, vật liệu siêu dẫn, vật liệu y sinh, vật liệu nano… từ đó có thể nắm bắt được mối quan hệ giữa cấu trúc và tính chất của vật liệu. Đây là nền tảng khoa học mà người Kỹ sư Kỹ thuật vật liệu cần có.

Để người kỹ sư Kỹ thuật vật liệu có đủ năng lực đáp ứng ngay nhu cầu sản xuất thực tế, một khối lượng lớn kiến thức kỹ thuật chuyên ngành của 3 lãnh vực vật liệu Kim loại, vật liệu Silicat, vật liệu Polyme bắt đầu được cung cấp vào học kỳ 3 của quy trình đào tạo. Đó là các môn học công nghệ, các bài thí nghiệm, đồ án môn học, thực tập kỹ thuật, thực tập tốt nghiệp và luận văn tốt nghiệp.

Ngoài ra, chương trình đào tạo rất quan tâm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động thông qua các môn học chuyên ngành tự chọn. Vào một thời điểm nào đó, một ngành nghề nào đó đang có nhu cầu lớn về nhân lực, Khoa sẽ ưu tiên chọn các môn học thích hợp cho ngành này để SV ra trường có đủ kiến thức chuyên sâu đáp ứng ngay nhu cầu sản xuất.

Chương trình đào tạo Kỹ sư Kỹ thuật vật liệu cũng được thiết kế theo hướng chuẩn bị cho SV tiếp tục học ở trình độ cao hơn (Thạc sĩ và Tiến sĩ) sau này khi có nguyện vọng và nhu cầu.

- Triển vọng Nghề nghiệp

Với mục tiêu và nội dung đào tạo vừa rộng vừa chuyên sâu, sau khi tốt nghiệp KS CNVL có khả năng làm việc trong nhiều lãnh vực :

– Trong các Công ty sản xuất, gia công vật liệu như các Công ty luyện cán kim loại, gốm sứ, nhựa, cao su…

– Trong các Công ty chế tạo vật tư và thiết bị dân dụng, thiết bị công nghiệp như các Công ty cơ khí, gốm sứ, nhựa…

– Trong các Công ty Cơ khí sản xuất phụ tùng thay thế cho các thiết bị công nông ngư nghiệp.

– Trong các Công ty sản xuất các cấu kiện, vật liệu xây dựng, VL trang trí nội thất.

– Trong các Công ty xuất nhập khẩu nguyên vật liệu: kim loại, gốm, nhựa …

– Trong các Công ty, Hãng sản xuất và kinh doanh vật liệu của nước ngoài có chi nhánh, VP đại diện tại VN.

– Trong các cơ quan đào tạo và nghiên cứu khoa học như Trường, Viện về lãnh vực khoa học và kỹ thuật vật liệu.

– Trong các Cơ quan, Viện nghiên cứu thiết kế thiết bị, cải tiến công nghệ.

– Trong các Cơ quan quản lý và kiểm định chất lượng nguyên vật liệu như Hải quan, Trung Tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

- Các điểm đặc biệt

  • Chương trình đào tạo Kỹ sư ngành Kỹ thuật Vật liệu được thiết kế theo phương pháp tiếp cận CDIO nhằm đạt được chuẩn đầu ra của chương trình là đào tạo kỹ sư có kiến thức và khả năng lập luận kỹ thuật, có kỹ năng chuyên môn và tố chất cá nhân, có khả năng hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành trong bối cảnh doanh nghiệp và xã hội.

2. MÔ TẢ CHƯƠNG TRÌNH: Xem chi tiết

3. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO: Từ khóa 2014200820092010201120122013

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, phù hợp xu thế phát triển mới của đất nước, đáp ứng các quy định của nhà nước, cơ quan chủ quản, và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu các bên liên quan trọng yếu, từ đó giữ vững và phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, nhà trường chủ trương cung cấp các chương trình đào tạo (CTĐT) tiên tiến, cập nhật. Do đó, sau khi hoàn thành một chu kỳ đào tạo, nhà trường sẽ tiến hành rà soát, đánh giá CTĐT nhằm cập nhật và đổi mới trên phạm vi toàn trường. Cụ thể, trong những năm gần đây nhà trường đã đổi mới CTĐT vào các năm 2002, 2008, và 2014. Quá trình này có sự tham gia của các bên liên quan trọng yếu như: nhà sử dụng lao động, cựu sinh viên, sinh viên, và giảng viên, và dựa trên các quy định của Luật Giáo dục đại học và các cơ quan chủ quản. Trong lần đổi mới CTĐT vào năm 2014, nhà trường áp dụng mô hình CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate), để xây dựng CTĐT nhằm giúp người học đáp ứng các yêu cầu của xã hội và các bên liên quan về kiến thức và kỹ năng. Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành, nhà trường cho phép thay đổi và hiệu chỉnh nhỏ nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phát sinh mới và cấp thiết.

Tính từ năm 2009 đến nay trường đã có 9 chương trình được công nhận đạt chuẩn AUN-QA; 07 chương trình được công nhận bởi CTI – ENAEE (EUR-ACE); và đặc biệt là 02 chương trình đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn ABET.

4. CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO:  từ khóa 2014 về sautừ khóa 2013 trở về trước

Đối với một chương trình đào tạo (CTĐT), mục tiêu đào tạo (MTĐT) đóng vai trò quan trọng, bởi nó xác định rõ lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể của CTĐT, bối cảnh hoạt động nghề nghiệp; phản ánh sứ mạng của trường/khoa và nhu cầu của các bên liên quan về những trình độ năng lực, phẩm chất … mà người học được trang bị. MTĐT sẽ quyết định cấu trúc chương trình và nội dung giáo dục đại học. Do đó, tại trường ĐH Bách Khoa tất cả CTĐT đều có MTĐT rõ ràng, cụ thể.

Theo đó, MTĐT được xây dựng dựa trên sứ mạng của trường và khoa và phù hợp với sự phát triển của ngành, có thể thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. MTĐT của từng CTĐT được xây dựng mới/cập nhật cùng với việc xây dựng mới/cập nhật CTĐT theo quy định và hướng dẫn của nhà trường. Các MTĐT sau khi được xây dựng, được phản biện bởi các chuyên gia và được đánh giá bởi Hội đồng Khoa học và Đào tạo của khoa.

Các MTĐT sau đó được cụ thể hoá thành các chuẩn đầu ra (CĐR) của CTĐT, trong đó thể hiện cụ thể những trình độ năng lực chuyên môn về kiến thức, kỹ năng, thái độ mà người học có thể đạt được vào thời điểm tốt nghiệp. Đối với các CTĐT 2014, các CĐR được xây dựng theo một quy trình chặt chẽ, khoa học trong đó CĐR phù hợp với MTĐT, phản ánh sứ mạng của trường, khoa. Trong quá trình xây dựng CĐR, các bên liên quan bao gồm giảng viên, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, và sinh viên được lấy ý kiến thông qua các hình thức khảo sát và/hoặc hội thảo, phỏng vấn sâu. CĐR được xây dựng chi tiết đến cấp độ 3 (cho CTĐT) và cấp độ 4 (cho môn học).

Cấu trúc của tất cả các CTĐT tại trường ĐHBK được xây dựng dựa trên cấu trúc CTĐT khung quy định bởi trường ĐH Bách Khoa. Cấu trúc CTĐT khung bao gồm các khối kiến thức từ kiến thức giáo dục đại cương đến khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Trong đó, khối kiến thức giáo dục đại cương nhằm cung cấp nền tảng lý luận, toán và khoa học tự nhiên, chính trị, xã hội …; còn khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản của ngành đào tạo theo diện rộng và sâu của lĩnh vực đào tạo.