Ngành Kỹ thuật Hàng không

Ngành Kỹ thuật Hàng không

NGÀNH KỸ THUẬT HÀNG KHÔNG

Website: www.dte.hcmut.edu.vn ; http://www.dte.hcmut.edu.vn/dte/index.php?tin=228

 

Ngành Kỹ thuật Hàng không thuộc nhóm ngành Giao thông.

1. TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH:

Ngành Kỹ Thuật Hàng Không (KTHK) dành cho các sinh viên có đam mê về máy bay và các phương tiện bay. Chương trình bao gồm các nhóm môn cốt lõi cần thiết về nền tảng của kỹ thuật hàng không như Khí Động Lực Học, Cơ học bay và điều khiển bay, Kết cấu hàng không, Hệ thống lực đẩy, Thiết kế và bảo dưỡng máy bay. Các nhóm môn học này được phát triển trên nền tảng của các môn học cơ sở như cơ học lưu chất, cơ học vật rắn, sức bền vật liệu, điều khiển tự động… Sinh viên được trang bị khả năng tự tìm tòi nghiên cứu, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo và khả năng thành thạo ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp) chuyên ngành.

Chương trình sẽ đào tạo các sinh viên thành những kỹ sư có tay nghề cao với mảng kiến thức nền rộng, có chất lượng và có kỹ năng vững vàng trong các hoạt động sau:

  • Quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì và sửa chữa máy bay
  • Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại máy bay nhỏ và các phương tiện giao thông lưỡng dụng (thuỷ phi cơ, tàu đệm khí, …)
  • Ứng dụng kiến thức KTHK trong các lĩnh vực liên quan: kỹ thuật hàng hải, năng lượng tái tạo, cơ khí, điều khiển tự động, xây dựng, …

Bộ Môn KTHK hiện đang phụ trách đào tạo chính quy bậc đại học chuyên ngành KTHK theo 2 chương trình song song:

  • Chương trình “truyền thống”  đã được vận hành bắt đầu từ năm 1996: tuyển sinh theo chỉ tiêu của Khoa Kỹ Thuật Giao Thông với mã ngành 52520120
  • Chương trình Kỹ sư Chất lượng cao Việt – Pháp (KSCLC VP)  bắt đầu từ năm 1999: tuyển sinh theo nguyện vọng của SV từ năm 1 theo chỉ tiêu của chương trình KSCLC VP

- Triển vọng Nghề nghiệp

Với tiềm năng phát triển của thị trường vận tải hàng không trong nước, các kỹ sư sau khi tốt nghiệp sẽ được các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước quan tâm cao và sẽ thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Cơ hội nghề nghiệp bao gồm các công việc trong lĩnh vực quản l‎ý điều hành hoạt động bảo dưỡng máy bay, nghiên cứu thiết kế các thiết bị bay (máy bay nhỏ, máy bay không người lái, …), tư vấn thiết kế cơ khí, các hệ thống năng lượng và quy trình sản xuất.

  • Các công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác, bảo dưởng thường tuyển dụng các kỹ sư ngành Kỹ Thuật Hàng Không tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa: Tổng Công Ty Hàng Không Vietnam Airlines, Công ty TNHH Kỹ thuật Máy bay Hàng không Việt Nam, Công Ty Cổ Phần Hàng Không Jetstar Pacific, Công Ty Cổ Phần Hàng Không Vietjet Air, Công Ty Vietstar, Công Ty Trưc Thăng Miền Nam, Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Kỹ Thuật Trực Thăng Helitechco, Công ty TNHH Dịch Vụ Bảo Dưỡng Máy Bay (SAAM), ….
  • Các công ty nghiên cứu thiết kế chế tạo thường tuyển dụng các kỹ sư ngành Kỹ Thuật Hàng Không tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa: Công Ty TNHH Quốc Tế  Hưng Việt, Boeing, Airbus, EADS, SAFRAN, ...
  • Các công ty thuộc nhiều lĩnh vực liên quan (cơ khí, dầu khí, năng lượng, điện và điều khiển, kỹ thuật máy tính) thường tuyển dụng các kỹ sư ngành Kỹ Thuật Hàng Không tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa: Slumberger, Petrolimex, Transoceans, Labsoft, IBM, nhà máy điện Phú Mỹ, …
  • Các trường đại học danh tiếng trên thế giới cấp học bổng cho kỹ sư ngành Hàng Không học Thạc sỹ, Tiến sỹ: Đại Học Cơ Khí – Hàng Không ENSMA – Poitiers (Pháp), Đại học Liege – Bỉ, Viện Công Nghệ Masachusette – MIT Mỹ, Đại Học Kỹ Thuật Virginia Tech – Mỹ, Đại học Wallongon – Úc, Đại Học South Queensland – Úc, Viện Công Nghệ Tokyo (TITECH), Đại Học Ritsumeikan – Nhật Bản, Đại Học Konkuk - Hàn Quốc, Đại học Geoysang- Hàn Quốc, Đại Học Quốc Gia Singapore (NUS), Đại Học Kỹ Thuật Nanyang (NTU- Singapore), Đại Học Kỹ Thuật Bandung – ITB (Indonesia), …

- Các điểm đặc biệt

Trở thành sinh viên ngành KTHK tại trường ĐHBK-TPHCM, sinh viên được tạo điều kiện thuận lợi để học tập và phát triển chuyên môn:

  • Sinh viên có cơ hội đi thực tập tại các công ty liên quan về lĩnh vực KTHK vào cuối năm thứ 4. Trong chương trình Kỹ sư Chất lượng cao Việt – Pháp (KSCLC VP), những sinh viên có học lực khá giỏi và khả năng ngoại ngữ tốt sẽ được cấp học bổng đi thực tập và làm luận văn tốt nghiệp tại trường ENSMA-Pháp và các cơ sở của tập đoàn đa quốc gia SAFRAN
  • Các sinh viên giỏi của ngành KTHK có khả năng chuyển tiếp lên học cao học ngành KTHK trường Đại học Bách Khoa hoặc đươc Bộ môn KTHK giới thiệu đi học sau đại học tại các nước tiên tiến trên thế giới
  • Tham gia Câu Lạc Bộ Thiết Kế Máy Bay Mô Hình do giảng viên của ngành KTHK hướng dẫn
  • Tham gia các hội thảo chuyên đề về các kỹ thuật và công nghệ mới trong Kỹ Thuật Hàng Không do các giáo sư, các chuyên gia đến từ các trường đại học nổi tiếng và các tập đoàn hàng đầu thế giới đến trường trình bày
  • Tham gia các môn học có tính ứng dụng thực tiễn cao do các chuyên gia, kỹ sư nhiều kinh nghiệm đến từ các Công ty hàng không trong nước phụ trách
  • Được trợ giúp, tư vấn, cập nhật các cơ hội nghề nghiệp từ các thành viên nhiệt tình của Hội Cựu Sinh Viên ngành KTHK.
  • Học bổng khuyến học của Hội Cựu Sinh Viên Hàng Không được cấp hàng năm cho những sinh viên có nỗ lực học tập và khó khăn về tài chính.

2. MÔ TẢ CHƯƠNG TRÌNH: Xem chi tiết

3. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO: Từ khóa 2014200820092010201120122013

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, phù hợp xu thế phát triển mới của đất nước, đáp ứng các quy định của nhà nước, cơ quan chủ quản, và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu các bên liên quan trọng yếu, từ đó giữ vững và phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, nhà trường chủ trương cung cấp các chương trình đào tạo (CTĐT) tiên tiến, cập nhật. Do đó, sau khi hoàn thành một chu kỳ đào tạo, nhà trường sẽ tiến hành rà soát, đánh giá CTĐT nhằm cập nhật và đổi mới trên phạm vi toàn trường. Cụ thể, trong những năm gần đây nhà trường đã đổi mới CTĐT vào các năm 2002, 2008, và 2014. Quá trình này có sự tham gia của các bên liên quan trọng yếu như: nhà sử dụng lao động, cựu sinh viên, sinh viên, và giảng viên, và dựa trên các quy định của Luật Giáo dục đại học và các cơ quan chủ quản. Trong lần đổi mới CTĐT vào năm 2014, nhà trường áp dụng mô hình CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate), để xây dựng CTĐT nhằm giúp người học đáp ứng các yêu cầu của xã hội và các bên liên quan về kiến thức và kỹ năng. Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành, nhà trường cho phép thay đổi và hiệu chỉnh nhỏ nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phát sinh mới và cấp thiết.

Tính từ năm 2009 đến nay trường đã có 9 chương trình được công nhận đạt chuẩn AUN-QA; 07 chương trình được công nhận bởi CTI – ENAEE (EUR-ACE); và đặc biệt là 02 chương trình đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn ABET.

4. CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO: Xem chi tiếtXem từ khóa 2014 trở về trước

Đối với một chương trình đào tạo (CTĐT), mục tiêu đào tạo (MTĐT) đóng vai trò quan trọng, bởi nó xác định rõ lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể của CTĐT, bối cảnh hoạt động nghề nghiệp; phản ánh sứ mạng của trường/khoa và nhu cầu của các bên liên quan về những trình độ năng lực, phẩm chất … mà người học được trang bị. MTĐT sẽ quyết định cấu trúc chương trình và nội dung giáo dục đại học. Do đó, tại trường ĐH Bách Khoa tất cả CTĐT đều có MTĐT rõ ràng, cụ thể.

Theo đó, MTĐT được xây dựng dựa trên sứ mạng của trường và khoa và phù hợp với sự phát triển của ngành, có thể thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. MTĐT của từng CTĐT được xây dựng mới/cập nhật cùng với việc xây dựng mới/cập nhật CTĐT theo quy định và hướng dẫn của nhà trường. Các MTĐT sau khi được xây dựng, được phản biện bởi các chuyên gia và được đánh giá bởi Hội đồng Khoa học và Đào tạo của khoa.

Các MTĐT sau đó được cụ thể hoá thành các chuẩn đầu ra (CĐR) của CTĐT, trong đó thể hiện cụ thể những trình độ năng lực chuyên môn về kiến thức, kỹ năng, thái độ mà người học có thể đạt được vào thời điểm tốt nghiệp. Đối với các CTĐT 2014, các CĐR được xây dựng theo một quy trình chặt chẽ, khoa học trong đó CĐR phù hợp với MTĐT, phản ánh sứ mạng của trường, khoa. Trong quá trình xây dựng CĐR, các bên liên quan bao gồm giảng viên, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, và sinh viên được lấy ý kiến thông qua các hình thức khảo sát và/hoặc hội thảo, phỏng vấn sâu. CĐR được xây dựng chi tiết đến cấp độ 3 (cho CTĐT) và cấp độ 4 (cho môn học).

Cấu trúc của tất cả các CTĐT tại trường ĐHBK được xây dựng dựa trên cấu trúc CTĐT khung quy định bởi trường ĐH Bách Khoa. Cấu trúc CTĐT khung bao gồm các khối kiến thức từ kiến thức giáo dục đại cương đến khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Trong đó, khối kiến thức giáo dục đại cương nhằm cung cấp nền tảng lý luận, toán và khoa học tự nhiên, chính trị, xã hội …; còn khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản của ngành đào tạo theo diện rộng và sâu của lĩnh vực đào tạo.