Ngành Kiến trúc

Ngành Kiến trúc

NGÀNH KIẾN TRÚC

Website: http://www.dce.hcmut.edu.vn/

Ngành Kiến trúc thuộc Khoa Kỹ thuật Xây dựng.

Ngành Kiến trúc có 01 chuyên ngành: Kiến trúc Dân dụng và Công nghiệp

1. TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH:

Ngành Kiến trúc dành cho các thí sinh có khả năng tư duy chiến lược (giỏi toán), năng khiếu nghệ thuật (hội họa, bố cục tạo hình), có tìm hiểu và đam mê Kiến trúc…

Chương trình đào tạo Kiến trúc sư của Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường ĐH Bách Khoa được phát triển nhằm mục tiêu đào tạo kiến trúc sư có kiến thức chuyên môn, khả năng sáng tạo, hiểu biết kỹ thuật, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt để có khả năng giải quyết những vấn đề liên quan đến nghiên cứu, thiết kế, thi công, quản lý vận hành cho các công trình xây dựng, đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ kỹ thuật cao về kiến trúc, xây dựng của đất nước.

Thời gian đào tạo 4,5 năm (9 học kỳ).

Khối lượng kiến thức:  171 tín chỉ, chia làm 4 khối kiến thức:

Kiến thức Cơ bản           : 28 tín chỉ, chiếm 16,4%

Kiến thức Cơ sở ngành : 14 tín chỉ, chiếm 08,2%

Kiến thức Chuyên ngành: 98 tín chỉ, chiếm 57,3%

Kiến thức Hỗ trợ              : 31 tín chỉ, chiếm 18,1%

Đây là chương trình học lấy sinh viên làm trung tâm. Sinh viên được cung cấp nền tảng cơ bản về kiến trúc và kỹ thuật xây dựng tiên tiến, được hướng dẫn phương pháp tự học, tự nghiên cứu các vấn đề ngay năm thứ 1, với mục tiêu sinh viên có thể thể hiện các ý tưởng sáng tạo đẹp, đúng, hợp lý sớm nhất.

Sinh viên tốt nghiệp từ chương trình này có sự giáo dục khoa học và nghề nghiệp cho phép họ có thể thành công ở công việc của người kiến trúc sư, họ có thể:

1)    Biết áp dụng các kiến thức đã thu nhận được vào việc thiết kế, vận hành và cải thiện các hệ thống, các tiến trình và các môi trường.

2)    Hình dung và có khả năng giải quyết các vấn đề kiến trúc tổng hợp, phức tạp.

3)    Hiểu rõ và giải quyết được các tác động về môi trường, kinh tế và xã hội của công trình kiến trúc.

4)    Có thể trao đổi có hiệu quả với khách hàng, cộng đồng.

5)    Luôn có ý thức học tập suốt đời và phát triển nghề nghiệp sau khi ra trường.

6)    Nắm vững và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của kiến trúc sư.

7)    Tích cực ủng hộ và phát triển tốt hơn các môi trường dành cho con người trong xã hội đương đại.

- Triển vọng Nghề nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng Kiến trúc sư, chuẩn bị cho các vị trí trong công việc thiết kế các công trình kiến ​​trúc, nội thất và quy hoạch đô thị; xây dựng, quản lý và phát triển bất động sản; cũng như cho các chương trình học sau đại học về kiến trúc, xây dựng dân dụng và kinh doanh.

Sinh viên được dự kiến ​​sẽ có thể là các kiến trúc sư, các trưởng nhóm thiết kế kiến trúc, các nhà lãnh đạo kiến trúc với tinh thần kinh doanh, là những người có thể cung cấp các giải pháp sáng tạo hoàn toàn khả thi để trả lời các nhu cầu kiến trúc đô thị hóa hiện tại và tương lai.

 

Hình 1. Kiến trúc sư Nguyễn Minh Châu, tốt nghiệp năm 2015, hiện đang làm việc tại công ty CPG Singapore tại TP.HCM

Hình 2. Kiến trúc sư Trương Đại Thạnh (bên trái), tốt nghiệp năm 2016, hiện đang làm việc tại công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa

Hình 3. Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Bình (thứ 2 từ trái sang), tốt nghiệp năm 2016, hiện đang làm việc tại Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM

Hình 4. Các kiến trúc sư Châu Minh Tiến (ngoài cùng bên trái), Trần Thị Hà Phương (thứ 5 từ trái sang) và Đặng Thị Tuyết Linh (thứ 6 từ trái sang), tốt nghiệp năm 2017, hiện đang làm việc tại NDA Group, một công ty của Pháp tại TP.HCM

- Các điểm đặc biệt

Thế mạnh:

  • Khoa Kỹ thuật Xây dựng là nơi hội tụ đầy đủ các lĩnh vực chuyên sâu- chất lượng cao của Trường đầu ngành cho công tác xây dựng (bao gồm kiến trúc, quy hoạch, hạ tầng, kết cấu); đồng hành là đội ngũ giảng viên hàng đầu được đào tạo bài bản từ nhiều quốc gia trên thế giới và trong nước nhiều năm qua.
  • Ngành Kiến trúc, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường ĐH Bách Khoa được nhấn mạnh 4 điểm: (1) Phương pháp thiết kế mới- tiên tiến; (2) Hiệu suất và hiệu quả; (3) Quan điểm hệ thống và quản lý; (4) Ý thức bảo vệ môi trường và đổi mới kinh doanh.
  • Cơ sở vật chất rất đầy đủ với thư viện, các phòng thí nghiệm, các dãy nhà học mới xây dựng, các phòng họa thất rộng rãi và tiện nghi, các không gian linh hoạt dành cho sinh viên ngành Kiến trúc.

 

Hình 5. Sinh viên thuyết trình và trình bày mô hình dự án kiến trúc tại phòng họa thất

Hình 6. Sinh viên trao đổi với doanh nghiệp trong một workshop về công trình xanh

  • Đội ngũ Kiến trúc sư, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật quan tâm hỗ trợ sinh viên Kiến trúc Bách khoa đến từ gần 30 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các cơ quan hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng hàng đầu tại thành phố. Sinh viên Kiến trúc Bách khoa có nhiều cơ hội thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp tại những nơi này.
  • Có rất nhiều cơ hội cho sinh viên để dành được học bổng ngay trong khóa học và sau đại học nhờ mạng lưới liên kết rộng lớn với các trường Đại học trên thế giới.
  • Đội ngũ giảng viên Bộ môn Kiến trúc rất tâm huyết, đã đào tạo được nhiều thế hệ kiến trúc sư, đã đạt được nhiều giải thưởng thiết kế trong nước và quốc tế.

 

Hình 7. Nhóm sinh viên niên khoá 2011-2016 đoạt giải thưởng BCI Châu Á năm 2015

Hình 8. Một buổi lễ “Homecoming Day” được tổ chức vào tháng 6/2016

Hình 9. Các giải thưởng trong và ngoài nước mà sinh viên ngành Kiến trúc đã đạt được

Điểm khác biệt:

  • Sinh viên được sớm thích nghi với môi trường thực tế qua nhiều môn học và dự án đặc biệt. Sinh viên được trải nghiệm tại những địa phương có nhiều di sản kiến trúc đặc biệt thông qua môn học Tham quan. Sinh viên được tham gia thiết kế công trình trong các dự án thật thông qua các môn đồ án Thiết kế kiến trúc. Sinh viên được tiếp cận với công nghệ mới về vật liệu, xây dựng, các tiêu chuẩn công trình xanh và các giải pháp thiết kế kiến trúc thực tế thông qua các chuyên đề mở. Hơn nữa, hàng năm sinh viên có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động quốc tế như chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, workshop quốc tế tại Singapore, Thái Lan…   

 

Hình 10. Sinh viên được học tập ngoại khoá miễn phí về Công trình xanh (trái) và tham quan công trình thực tế (phải)

  • Số lượng tín chỉ các đồ án thiết kế kiến trúc chiếm đến 27,48% tổng số tín chỉ. Trong mỗi đồ án thiết kế, sinh viên có tổng thời gian nghiên cứu từ 8 đến 14 tuần và thực hiện thiết kế hoàn chỉnh. Sinh viên được hướng dẫn thực hiện công việc theo quy trình thực tế từ năm thứ 2, gồm (i) Phân tích đánh giá hiện trạng, xác định nhu cầu thiết kế, xây dựng nhiệm vụ và dữ liệu thiết kế; (ii) Thiết kế ý tưởng; (iii) Thiết kế cơ sở và giải quyết các vấn đề kỹ thuật công trình; (iv) Thể hiện và Thuyết trình.

Hình 11. Quy trình thực hiện đồ án thiết kế

Hình 12. Buổi báo cáo đồ án quy hoạch của sinh viên năm thứ 4

 

  • Trong các đồ án thiết kế kiến trúc, sinh viên sẽ được hướng dẫn giải quyết các vấn đề kỹ thuật công trình (kết cấu, hạ tầng, điện, nước…) do đội ngũ giảng viên từ các bộ môn chuyên ngành của Khoa Kỹ thuật Xây dựng. Đây là điểm khác biệt lớn so với các chương trình đào tạo ngành Kiến trúc khác.
  • Sinh viên được tham gia thực nghiệm các vấn đề Nhiệt, Thông gió, Quang học và Âm học công trình tại Phòng thí nghiệm Vật lý kiến trúc với những dụng cụ và thiết bị hiện đại. Đây là điểm khác biệt nổi trội trong chương trình đào tạo này.
  • Sinh viên Kiến trúc Bách Khoa luôn được tạo mọi điều kiện tham gia các cuộc thi thiết kế Kiến trúc – Quy hoạch trong nước, quốc tế và được tôn vinh với những thành tựu đạt được trong những năm qua.
  • Các hoạt động sinh viên rất hấp dẫn, phong phú và đa dạng được tổ chức thường xuyên như lễ “Homecoming day”, “Chào đón tân sinh viên”, “Prom”, “Giải bóng đá Kiến trúc Bách khoa”…

2. MÔ TẢ CHƯƠNG TRÌNH:  Xem chi tiết

3. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO: Từ khóa 2014200820092010201120122013

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, phù hợp xu thế phát triển mới của đất nước, đáp ứng các quy định của nhà nước, cơ quan chủ quản, và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu các bên liên quan trọng yếu, từ đó giữ vững và phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, nhà trường chủ trương cung cấp các chương trình đào tạo (CTĐT) tiên tiến, cập nhật. Do đó, sau khi hoàn thành một chu kỳ đào tạo, nhà trường sẽ tiến hành rà soát, đánh giá CTĐT nhằm cập nhật và đổi mới trên phạm vi toàn trường. Cụ thể, trong những năm gần đây nhà trường đã đổi mới CTĐT vào các năm 2002, 2008, và 2014. Quá trình này có sự tham gia của các bên liên quan trọng yếu như: nhà sử dụng lao động, cựu sinh viên, sinh viên, và giảng viên, và dựa trên các quy định của Luật Giáo dục đại học và các cơ quan chủ quản. Trong lần đổi mới CTĐT vào năm 2014, nhà trường áp dụng mô hình CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate), để xây dựng CTĐT nhằm giúp người học đáp ứng các yêu cầu của xã hội và các bên liên quan về kiến thức và kỹ năng. Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành, nhà trường cho phép thay đổi và hiệu chỉnh nhỏ nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phát sinh mới và cấp thiết.

Tính từ năm 2009 đến nay trường đã có 9 chương trình được công nhận đạt chuẩn AUN-QA; 07 chương trình được công nhận bởi CTI – ENAEE (EUR-ACE); và đặc biệt là 02 chương trình đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn ABET.

4. CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO: Xem chi tiết

Với mục đích là cung cấp cho sinh viên Kiến trúc, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, trường ĐH Bách Khoa tiềm năng thực hành trên toàn cầu, mang đến cho công việc của họ một mức độ cao về năng lực kỹ thuật và kiến thức khoa học trong khi được hòa hợp với các cơ hội kinh doanh và cộng hưởng văn hóa mà sẽ làm cho các đề xuất thiết kế của họ hiệu quả nhất, có 11 chuẩn đầu ra đối với sinh viên Kiến trúc, bao gồm:

1)    Khả năng sáng tạo trong thiết kế kiến trúc nhằm đáp ứng yêu cầu mỹ thuật và yêu cầu kỹ thuật.

2)    Có kiến thức phù hợp về lịch sử và lý thuyết kiến trúc, nghệ thuật, công nghệ liên quan và khoa học nhân văn.

3)    Có kiến thức về nghệ thuật chuẩn mực có sức ảnh hưởng đối với thiết kế kiến trúc.

4)    Có kiến thức đầy đủ về thiết kế đô thị, quy hoạch đô thị, và các kỹ năng liên quan đến quá trình quy hoạch.

5)    Có hiểu biết đầy đủ về mối quan hệ giữa con người - công trình - môi trường trên cơ sở đáp ứng nhu cầu và phù hợp tỷ lệ của con người.

6)    Hiểu rõ nghề và vai trò của KTS trong xã hội và các yếu tố xã hội.

7)    Có hiểu biết về các phương pháp khảo sát và chuẩn bị một tóm tắt cho dự án thiết kế.

8)    Có hiểu biết về thiết kế kết cấu, các vấn đề xây dựng và kỹ thuật liên quan đến công tác thiết kế công trình.

9)    Có hiểu biết về các vấn đề cơ học, kỹ thuật và công năng công trình để thiết kế biện pháp bảo vệ và thích nghi với điều kiện khí hậu khu vực.

10) Có kỹ năng thiết kế cần thiết nhằm đáp ứng những yêu cầu của người sử dụng công trình trong mối quan hệ giữa chi phí và các quy định, tiêu chuẩn thiết kế.

11) Có hiểu biết đầy đủ đối với công nghiệp xây dựng, tổ chức liên quan, quy định, quy trình liên quan để có thể triển khai thiết kế từ ý tưởng cho đến khi công trình đưa vào sử dụng và vận hành.