Ngành Kỹ thuật Dầu khí

Ngành Kỹ thuật Dầu khí

NGÀNH KỸ THUẬT DẦU KHÍ

Website: www.geopet.hcmut.edu.vn

Ngành Kỹ thuật Dầu khí thuộc nhóm ngành Kỹ thuật Địa chất – Dầu khí.

Ngành Kỹ thuật Dầu khí có 02 chuyên ngành: Kỹ thuật Khoan và Khai thác Dầu khí, Địa chất Dầu khí.

1. TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH:

Chương trình đào tạo kỹ sư dầu khí là đào tạo kỹ sư có trách nhiệm chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm với công việc và có khả năng:

  • Nắm bắt được những kiến thức và yêu cầu cơ bản của một trí thức trẻ trong cộng đồng xã hội và những kiến thức của một kỹ sư dầu khí.
  • Tư duy và tiếp cận các vấn đề của ngành dầu khí, khả năng tự nghiên cứu tiếp thu những kiến thức chuyên môn.
  • Tổ chức và quản lý.
  • Phân tích, thiết kế, nghiên cứu và xử lý các vấn đề thuộc kỹ thuật dầu khí như: Địa chất dầu khí, Tìm kiếm-thăm dò dầu khí; Kỹ thuật khoan - khai thác và công nghệ dầu khí.

SV tốt nghiệp ngành dầu khí phải đạt được các kỹ năng sau:

  • Các kiến thức về khoa học tự nhiên như toán, lý, hoá, xác suất thống kê; cũng như các kiến thức cơ bản về khoa học trái đất và các quá trình địa chất. Các kiến thức tổng quan về dầu khí.
  • Các kỹ năng trong tìm kiếm thăm dò, thao tác xử lý và thực hành các công tác thí nghiệm, khoan khai thác tại hiện trường, các kỹ năng đo vẽ bản đồ, phân tích-đánh giá tầng chứa, tính trữ lượng dầu khí.
  • Có khả năng thiết kế một hệ thống hay một thành phần của hệ thống hay một qui trình công nghệ trong kỹ thuật khoan - khai thác và công nghệ dầu khí.
  • Kỹ năng kết hợp hoạt động với các chuyên gia trong các ngành liên quan như địa kỹ thuật, địa chất môi trường, địa vật lý, địa chất khoáng sản.
  • Có năng lực phân tích, đánh giá và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quản lý mỏ, kỹ thuật khoan - khai thác và công nghệ dầu khí.
  • Sự hiểu biết về các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí.
  • Năng lực giao tiếp một cách hiệu qủa, kỹ năng lắng nghe, đọc, tra cứu tài liệu, kỹ năng ghi chép, viết, thuyết trình, báo cáo.
  • Có tinh thần trách nhiệm chuyên môn và ý thức đạo đức nghề nghiệp về việc ứng dụng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến trong việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí phù hợp với bối cảnh phát triển toàn cầu và xã hội.
  • Hiểu biết về giá trị của việc học, thừa nhận về nhu cầu học tập là suốt đời và khả năng của bản thân trong việc tham gia vào việc học tập, nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn.
  • Thường xuyên cập nhật thông tin về những vấn đề đang nảy sinh, những vấn đề xã hội có liên quan đến hoạt động dầu khí.
  • Khả năng sử dụng các kỹ thuật công nghệ, các công cụ hiện đại cần thiết trong thực tế vào trong ngành nghề. Có kỹ năng lập trình trong kỹ thuật dầu khí. Khả năng tận dụng internet trong việc trao đổi thông tin và tài liệu. Biết sử dụng các phần mềm chuyên môn như Petrel, Pipesim, Hysys, Eclipse, Geostatistics...

- Triển vọng Nghề nghiệp

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các công ty dầu khí trong và ngoài nước:

  • Các công ty trực thuộc Tổng công ty dầu khí Việt Nam (PVEP, PVD, PTSC, PIDC, VPI...)
  • Các công ty liên doanh và điều hành chung (Vietsovpetro, JVPC, Petronas, Cửu Long JOC, Hoàng Long JOC, Hoàn Vũ JOC, Trường Sơn JOC...)
  • Các công ty dầu khí đa quốc gia (BP, Unocal, Exxon Mobile…), các công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí quốc tế (Schlumberger, BJ, Halliburton, Geoservices, Baker Hughes, Weatherford, …)
  • Các Trường đại học, Viện dầu khí, XN khoan và khai thác nước ngầm, Sở KHCN – MT các tỉnh, Sở NN và PTNT, Sở Công nghiệp các tỉnh)

- Các điểm đặc biệt

  • Là đơn vị đào tào kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật dầu khí lớn nhất tại phía Nam với lịch sử đào tạo trên 35 năm. Các kỹ sư dầu khí tốt nghiệp từ trường Bách Khoa luôn được các công ty dầu khí nước ngoài và trong nước đánh giá cao về chất lượng đào tạo và kiến thức sau khi ra trường. Rất nhiều các kỹ sư tốt nghiệp sau một thời gian làm việc đã trở thành các lãnh đạo, các cán bộ kỹ thuật chủ chốt trong các doanh nghiệp dầu khí. Kỹ sư dầu khí tốt nghiệp từ Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu Khí có khả năng làm việc ở môi trường quốc tế, đa văn hóa và chịu được áp lực công việc. Ngoài chương trình đào tạo chính qui, Khoa Kỹ thuật Địa Chất và Dầu Khí còn có chương trình đào tạo Kỹ sư dầu khí quốc tế nhận bằng từ Đại Học Adelaide là một trong 3 trung tậm đại học đào tạo dầu khí của Australia. Các chương trình đào tạo đại học luôn được cập nhật và cải tiến theo các tiêu chuẩn của khu vực và thế giới (AUN và CDIO).

2. MÔ TẢ CHƯƠNG TRÌNH: Xem chi tiết

3. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO: Từ khóa 2014200820092010201120122013

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, phù hợp xu thế phát triển mới của đất nước, đáp ứng các quy định của nhà nước, cơ quan chủ quản, và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu các bên liên quan trọng yếu, từ đó giữ vững và phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, nhà trường chủ trương cung cấp các chương trình đào tạo (CTĐT) tiên tiến, cập nhật. Do đó, sau khi hoàn thành một chu kỳ đào tạo, nhà trường sẽ tiến hành rà soát, đánh giá CTĐT nhằm cập nhật và đổi mới trên phạm vi toàn trường. Cụ thể, trong những năm gần đây nhà trường đã đổi mới CTĐT vào các năm 2002, 2008, và 2014. Quá trình này có sự tham gia của các bên liên quan trọng yếu như: nhà sử dụng lao động, cựu sinh viên, sinh viên, và giảng viên, và dựa trên các quy định của Luật Giáo dục đại học và các cơ quan chủ quản. Trong lần đổi mới CTĐT vào năm 2014, nhà trường áp dụng mô hình CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate), để xây dựng CTĐT nhằm giúp người học đáp ứng các yêu cầu của xã hội và các bên liên quan về kiến thức và kỹ năng. Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành, nhà trường cho phép thay đổi và hiệu chỉnh nhỏ nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phát sinh mới và cấp thiết.

Tính từ năm 2009 đến nay trường đã có 9 chương trình được công nhận đạt chuẩn AUN-QA; 07 chương trình được công nhận bởi CTI – ENAEE (EUR-ACE); và đặc biệt là 02 chương trình đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn ABET.

4. CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO: Xem chi tiếtXem từ khóa 2014 trở về trước

Đối với một chương trình đào tạo (CTĐT), mục tiêu đào tạo (MTĐT) đóng vai trò quan trọng, bởi nó xác định rõ lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể của CTĐT, bối cảnh hoạt động nghề nghiệp; phản ánh sứ mạng của trường/khoa và nhu cầu của các bên liên quan về những trình độ năng lực, phẩm chất … mà người học được trang bị. MTĐT sẽ quyết định cấu trúc chương trình và nội dung giáo dục đại học. Do đó, tại trường ĐH Bách Khoa tất cả CTĐT đều có MTĐT rõ ràng, cụ thể.

Theo đó, MTĐT được xây dựng dựa trên sứ mạng của trường và khoa và phù hợp với sự phát triển của ngành, có thể thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. MTĐT của từng CTĐT được xây dựng mới/cập nhật cùng với việc xây dựng mới/cập nhật CTĐT theo quy định và hướng dẫn của nhà trường. Các MTĐT sau khi được xây dựng, được phản biện bởi các chuyên gia và được đánh giá bởi Hội đồng Khoa học và Đào tạo của khoa.

Các MTĐT sau đó được cụ thể hoá thành các chuẩn đầu ra (CĐR) của CTĐT, trong đó thể hiện cụ thể những trình độ năng lực chuyên môn về kiến thức, kỹ năng, thái độ mà người học có thể đạt được vào thời điểm tốt nghiệp. Đối với các CTĐT 2014, các CĐR được xây dựng theo một quy trình chặt chẽ, khoa học trong đó CĐR phù hợp với MTĐT, phản ánh sứ mạng của trường, khoa. Trong quá trình xây dựng CĐR, các bên liên quan bao gồm giảng viên, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, và sinh viên được lấy ý kiến thông qua các hình thức khảo sát và/hoặc hội thảo, phỏng vấn sâu. CĐR được xây dựng chi tiết đến cấp độ 3 (cho CTĐT) và cấp độ 4 (cho môn học).

Cấu trúc của tất cả các CTĐT tại trường ĐHBK được xây dựng dựa trên cấu trúc CTĐT khung quy định bởi trường ĐH Bách Khoa. Cấu trúc CTĐT khung bao gồm các khối kiến thức từ kiến thức giáo dục đại cương đến khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Trong đó, khối kiến thức giáo dục đại cương nhằm cung cấp nền tảng lý luận, toán và khoa học tự nhiên, chính trị, xã hội …; còn khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản của ngành đào tạo theo diện rộng và sâu của lĩnh vực đào tạo.