Thu hẹp Mở rộng
Ngày: 26/03/2019

QUY ĐỊNH VỀ CTĐTKSTN

 QUY ĐỊNH VỀ CHƯƠNG TRÌNH TÀI NĂNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 840/QĐ-BKĐT, ngày 17/10/2018) 

1. Phương thức xét tuyển mới

1.1 Điều kiện tuyển mới:

Sinh viên phải tích lũy từ 90% số tín chỉ theo chương trình đào tạo của các học kỳ trước khi xét vào chương trình tài năng;

Điểm trung bình tích lũy (ĐTBTL) lớn hơn 7,0; Điểm trung bình học kỳ gần nhất (ĐTBHK) lớn hơn 7,5;

Sinh viên phải đang học cùng khóa, cùng ngành tương ứng với ngành muốn ứng tuyển vào chương trình tài năng;

Các tiêu chí để xét ở trên được sử dụng từ kết quả học tập của học kỳ gần.

1.2 Thời gian tuyển mới

Ban điều hành cấp Khoa thông báo tuyển chọn và lập danh sách tuyển mới các sinh viên vào chương trình đào tạo tài năng sau học kỳ 2 năm nhất;

 Ban điều hành cấp Khoa gửi danh sách tuyển mới đến phòng Đào tạo vào tháng 7 hằng năm;

Phòng Đào tạo có trách nhiệm hậu kiểm kết quả học tập của các sinh viên sau khi có đầy đủ thông tin về kết quả học tập sau năm nhất (học kỳ thứ nhất và học kỳ thứ hai) để soạn quyết định công nhận sinh viên chương trình tài năng và trình Ban giám hiệu ký duyệt.

1.3 Điều kiện để tiếp tục tham gia chương trình tài năng

Đang là sinh viên chương trình tài năng;

Không vi phạm các điều kiện loại khỏi chương trình tài năng

Có thời khóa biểu trong học kỳ hiện tại;             

Không vi phạm các điều kiện về học vụ như buộc tạm dừng, buộc thôi học…;

Học đúng khóa tuyển sinh chương trình tài năng;

Các trường hợp khác do hiệu trưởng quyết định.

2. Tuyển bổ sung và cho ra khỏi chương trình tài năng theo các tiêu chuẩn sau:

2.1 Tuyển bổ sung

Căn cứ vào chỉ tiêu cho phép và số sinh viên bị loại, nếu số sinh viên còn lại của ngành có chương trình tài năng ít hơn chỉ tiêu thì khoa được phép tiến hành tuyển bổ sung.

Thời điểm cuối cùng sinh viên được tuyển bổ sung vào chương trình tài năng là học kỳ 1 năm thứ 3.

Điều kiện để sinh viên được tham gia dự tuyển bổ sung:

Sinh viên đang học cùng khóa, cùng ngành có đào tạo chương trình tài năng. Trường hợp cần thiết Khoa có thể thông báo tuyển cả các sinh viên một số ngành/chuyên ngành khác – cùng khóa cùng Khoa nếu ngành này không có sự khác biệt về chương trình đào tạo so với ngành đang đào tạo chương trình tài năng (số tín chỉ khác biệt nhỏ hơn 10%);

Có điểm rèn luyện đạt từ loại Tốt trở lên, có nguyện vọng theo học chương trình tài năng

Có số tín chỉ tích lũy theo chương trình đào tạo đạt trên 90% của các học kỳ trước khi xét vào chương trình tài năng;

Điểm trung bình học kỳ gần nhất và điểm trung bình tích lũy lớn hơn 7,5.

2.2. Ra khỏi chương trình

Tại thời điểm xem xét, sinh viên phạm phải một trong các điều sau;

Không có thời khóa biểu học kỳ (KQ ĐKMH), tạm dừng, chưa tốt nghiệp khi đã quá thời gian học (tính theo CTĐT);

Không đăng ký học đầy đủ các môn học tài năng bắt buộc trong học kỳ;

Điểm trung bình tích lũy học tập (ĐTBTL) nhỏ hơn hoặc bằng 7,0;

Số tín chỉ tích lũy (TCTL) so với CTĐT nhỏ hơn 80% nếu học năm nhất; năm hai hoặc nhỏ hơn 90% nếu đã học các năm trên;

Điểm trung bình học kỳ (ĐTBHK) nhỏ hơn hoặc bằng 7,5;

Điểm rèn luyện dưới mức Tốt – tính theo quy định hiện hành;

Các sinh viên bị loại ra khỏi chương trình sẽ được trở về ngành/chuyên ngành gốc theo kết quả tuyển sinh hay về lại ngành gốc theo kết quả đăng ký phân ngành của Khoa. Trường hợp CTĐT đã khác biệt trên 10% (so với ngành gốc) sinh viên được chuyển sang lớp đại trà cùng ngành/chuyên ngành với chương trình tài năng đang học.

2.3. Sinh viên xin ra khỏi chương trình

Sinh viên có yêu cầu cá nhân được phép làm đơn ra khỏi chương trình – trở về chương trình đào tạo đại trà. Sinh viên chỉ được phép ra khỏi chương trình khi đã kết thúc học kỳ.

3. Giảng dạy môn học chương trình tài năng

Khoa chọn các cán bộ có đủ năng lực để phục trách giảng dạy các môn học tài năng.

Trong thời gian giảng dạy, Ban điều hành khoa và các GVCN gặp gỡ đại diện sinh viên tất cả các chương trình để trao đổi và giải quyết ngay các vướng mắc về giảng dạy và sinh hoạt. Cuối học kỳ Khoa tổ chức lấy ý kiến sinh viên (dùng phiếu thăm dò, qua web…) về giảng dạy môn học và tổ chức cho CBGD rút kinh nghiệm về các góp ý của sinh viên.

Các môn học tài năng nếu tổ chức lớp riêng, tuân thủ các quy định về giảng dạy và kiểm tra/thi theo quy chế đào tạo và học vụ bậc Đại học, Cao đẳng hiện hành của trường. Trong đó việc sử dụng E-learning trong giảng dạy và học tập là bắt buộc.

Học phần mở rộng của các môn lý thuyết, được tổ chức như một môn Đồ án môn học. Học phần này được xét hoàn thành khi tình trạng là “Đạt”.      

Môn học tài năng được xét là “Đạt” khi phần lý thuyết có điểm tổng kết môn học lớn hơn hoặc bằng 7,5 và tình trạng phần mở rộng môn lý thuyết là “Đạt”

 Khoa phải tổ chức cho sinh viên chương trình tài năng tham gia nghiên cứu khoa học. Ban điều hành cấp Khoa chịu trách nhiệm phê duyệt chọn đề tài và cán bộ hướng dẫn TTTN và LVTN cho sinh viên chương trình tài năng để đảm bảo chất lượng tương ứng với ý nghĩa “tài năng” của bằng cấp. Khuyến khích chọn các đề tài theo hướng nghiên cứu, yêu cầu sinh viên tham gia viết báo, tham dự hội nghị khoa học.

Sinh viên tham gia chương trình đào tạo tài năng phải đạt quy định số tín chỉ tích lũy, số tín chỉ tài năng tích lũy và điểm trung bình tích lũy tối thiểu mà chương trình yêu cầu sinh viên tài năng cần phải đạt được trong từng học kỳ, từng năm học và khóa học.

4. Tín chỉ tài năng và môn học tài năng

Môn học tài năng phải đi kèm theo một học phần mở rộng the định hướng chuyên sâu hoặc nghiên cứu. Phần mở rộng có cấp độ chuẩn đầu ra cao hơn. Phần mở rộng của môn học tài năng có thể được thực hiện ở cùng học kỳ với môn học tài năng hoặc tối đa trong vòng hai (02) học kỳ chính tiếp theo

 Phần mở rộng hoặc toàn bộ môn học tài năng có thể được tổ chức dưới dạng các học phần, đồ án/đề tài dưới sự hướng dẫn của các giảng viên chương trình tài năng hoặc tổ chức thành các lớp riêng (nếu có) tùy thuộc vào đặc thù của từng khoa/ngành với quy mô không quá 30 sinh viên/lớp.

Đề cương chi tiết môn học tài năng là đề cương môn học chương trình đại trà có bổ sung phần yêu cầu riêng và những điểm khác biệt phù hợp với mục tiêu và chuẩn đầu ra đã xác định.

Cách đánh giá kết quả học tập các môn tài năng phải thể hiện được sự đánh giá quá trình và phải đánh giá được không chỉ khả năng tiếp thu kiến thức của sinh viên mà còn có khả năng phân tích, phản biện và áp dụng kiến thức; Quá trình đánh giá đa dạng áp dụng nhiều hình thức như: bài tập, bài thi, vấn đáp, thuyết trình, thảo luận nhóm…cách đánh giá kết quả phần mở rộng của môn học tài năng phải thể hiện được yêu cầu chuyên sâu, nghiên cứu, phù hợp với các nội dung đã xây dựng trong đề cương chi tiết

Tín chỉ tài năng là tín chỉ của môn học tài năng mà sinh viên tích lũy được bằng kết quả điểm môn học đạt xếp loại khá trở lên cho học phần chung với lớp đại trà đồng thời đạt hình thức học tập cho phần mở rộng của các môn học đó.

5. Sinh viên tốt nghiệp chương trình tài năng

Sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp ghi rõ “chương trình đào tạo tài năng” (Honors Program) nếu hội đủ các điều kiện sau:

-      Đang là sinh viên của chương trình tài năng – không vi phạm điều kiện cho ra khỏi chương trình;

-      Hoàn tất chương trình tài năng đúng hạn, đủ điều kiện để được cấp bằng theo đúng ngành học của chương trình đào tạo tài năng tương ứng.

-      Có điểm LVTN lớn hơn 7,5; ĐTBTLN lớn hơn 7,5 và điểm rèn luyện từ loại Tốt trở lên.

-      Đạt đủ số tín chỉ yêu cầu của phần mở rộng của các môn học tài năng.

-      Có chứng chỉ ngoại ngữ đạt yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ khi tốt nghiệp dành cho sinh viên chương trình tài năng theo quy chế học vụ bậc đại học, cao đẳng của trường đại học Bách Khoa.

-      Đối với sinh viên đã hết thời gian đào tạo quy định của chương trình tài năng nhưng chưa có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định đối với sinh viên chương trình tài năng, sinh viên được cấp bằng chính quy đại trà nếu đạt chuẩn tiếng Anh của sinh viên chương trình chính quy đại trà.

-      Quy định về trình độ tiếng Anh là bắt buộc đối với sinh viên các chương trình tài năng

6. Học phí và hỗ trợ tài chính cho sinh viên

 Học phí

Mức thu học phí và các khoản thu ngoài học phí (nếu có) đối với chương trình tài năng được áp dụng cùng mức thu đối với chương trình đại trà.

Học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên

-      Căn cứ vào kết quả học tập và các tiêu chí khác, sinh viên chương trình tài năng được hỗ trợ kinh phí cho công việc học thuật, thực tập, kiến tập, tham quan thực tế, và nghiên cứu khoa học.

-      Các mức chi hỗ trợ tài chính được thực hiện theo quy định về chương trình tài năng của trường Đại học Bách Khoa và theo dự trù kinh phí hoạt động hàng năm.

-      Ngoài các mức hỗ trợ về tài chính như trên, sinh viên chương trình tài năng được xét học bổng khuyến khích học tập như sinh viên chương trình chính quy đại trà, căn cứ theo quy định về xét học bổng khuyến khích học tập của trường.